Nội dung chính
Giải Ngân là thuật ngữ hay dùng trong tài chính ngân hàng và nhiều ngành kinh doanh khác mà chỉ người đúng chuyên ngành mới hiểu rõ được. Nếu bạn mới tiếp xúc với thuật ngữ này chắc chắn sẽ khá bỡ ngỡ. Vì vậy, Skyline Real viết bài này để bạn hiểu Giải ngân là gì? Điều kiện, hình thức, quá trình giải ngân như thế nào?
Giải ngân là gì?
Khái niệm: “Giải ngân là việc chi một khoản tiền nào đó theo ký kết hợp đồng giữa ngân hàng và người vay hoặc một tổ chức cho vay với cá nhân có nhu cầu vay bất kỳ. Nguồn vốn giải ngân sẽ được trao nhận dưới nhiều hình thức như tiền mặt, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, phiếu mua…”
Ví dụ:
Nếu giải ngân với mục đích cấp tiền cho cá nhân, đơn vị xin vay ở ngân hàng hoặc công ty tài chính:
Bạn có thể hiểu đơn giản giải ngân chính là việc khách hàng nhận được số tiền mình xin vay sau khi hồ sơ được xét duyệt và thông qua bởi đội ngũ chuyên thẩm định của ngân hàng. Ở mục giải ngân này thì đa phần ngân hàng sẽ thực hiện giải ngân cấp tiền một lần hết cả cho khách hàng xin vay.
Tuy nhiên số tiền sau khi giải ngân sẽ được đội ngũ ngân hàng hay tín dụng bên cho vay theo dõi sát sao để xem tình hình khách hàng có đảm bảo được việc trả lại tiền cả vốn lẫn lời đã ghi rõ trong hợp đồng hay không. Ngoài ra số tiền giải ngân cũng được bên ngân hàng hoặc công ty tài chính xem xét để đảm bảo nằm trong giới hạn mà ngân hàng có thể kiểm soát được trong trường hợp khách hàng không đủ khả năng trả tiền theo hợp đồng đã ký kết.
Giải ngân trong các lĩnh vực
Ngoài giải ngân là được ngân hàng cấp tiền vay vốn sau thời gian xin vay thì hiện nay còn các khái niệm giải ngân cơ bản khác như sau:
- Giải ngân trong chứng khoán: Đây là một mảng khá mới và sẽ khiến cho nhiều người lạ lẫm, tuy nhiên bạn có thể hiểu giải ngân trong chứng khoán chính là chúng ta rót tiền đầu tư để mua một loại hay cả một danh mục chứng khoán nào đó. Nếu thành công dự án sinh lời thì người ta sẽ ám chỉ việc giải ngân này để nhận xét khả năng của nhà đầu tư đó.
- Giải ngân nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA: Chắc bạn đã nghe nhiều về thuật ngữ ODA rồi nhỉ, vậy giải ngân nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ ODA nghĩa là một loại hình nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài với lãi suất rất thấp hoặc không lãi suất hay có khi là được tài trợ mà không phải hoàn tiền tùy theo khả năng kinh thế của quốc gia được giải ngân nhận vốn. Sau khi tiến hành xong các thủ tục xin vay vốn viện trợ thì nguồn tiền từ ODA sẽ được rót vào theo từng giai đoạn cũng như được quản lý và theo dõi vô cùng chặt chẽ. Nếu như nguồn vốn đó không được thực hiện đúng mục đích hay có gian lận thì nguồn ODA sẽ bị dừng lại ngay lập tức.
- Giải ngân trong kho bạc nhà nước: Thuật ngữ giải ngân còn được sử dụng trong kho bạc nhà nước đối với từng sự đầu tư, thỏa thuận hay thủ tục cần được duyệt chi nhất định dưới sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền.
- Giải ngân trong bất động sản: Thuật ngữ giải ngân cũng được xuất hiện nhiều trong xây dựng bất động sản khi thanh toán khối lượng công trình cho cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư sau khi hoàn thành các hồ sơ thanh toán ký kết của chủ đầu tư. Chủ đầu tư chính là người có trách nhiệm thanh toán đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết.
- Giải ngân trong kế toán: Giải ngân sẽ xuất hiện trong kế toán khi thanh toán tiền sau khi đã làm đủ các chứng từ, hóa đơn, hồ sơ, hợp đồng cụ thể đã được sếp thông qua. Còn sếp lớn thì giải ngân sẽ xuất hiện khi thanh toán tiền sau khi có sự thỏa thuận, thống nhất về tất cả các giấy tờ cần thiết.
Ngoài các định nghĩa cơ bản trên thì giải ngân còn được xuất hiện rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nữa.
Điều kiện cần thiết để giải ngân là gì?
Tùy theo bạn cần giải ngân trong trường hợp nào mà sẽ có các điều kiện đi kèm cụ thể, tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào bạn cũng sẽ cần các loại hồ sơ như sau:
- Hồ sơ pháp lý.
- Hồ sơ tài chính.
- Hồ sơ mục đích sử dụng vốn.
- Hồ sơ tài sản đảm bảo.
- Một vài giấy tờ ngân hàng cần cung cấp thêm.
Khi bạn có đủ các giấy tờ hồ sơ cần thiết thì bên ngân hàng, doanh nghiệp… sẽ tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện để vượt qua thẩm định thì khoản vay của bạn sẽ được phê duyệt rồi tiến hành giải ngân. Tuy nhiên thông thường thời gian giải ngân lâu hay nhanh sẽ tùy thuộc vào từng hạng mục nhất định.
Các hình thức giải ngân hiện nay
Tùy thuộc vào mục đích của khách hàng mà hình thức giải ngân được chia thành nhiều loại khác nhau cụ thể như: Giải ngân một lần, giải ngân phong tỏa, giải ngân không phong tỏa… Tuy nhiên hiện nay giải ngân được chia thành 2 hình thức chính là giải ngân phong tỏa và giải ngân không phong tỏa. Cụ thể như sau:
Giải ngân phong tỏa
Giải ngân phong tỏa là hình thức khoản vay đã được giải ngân, khách hàng cũng đã nhận được tiền trong tài khoản nhưng số tiền này khách hàng không thể rút được ngay để sử dụng 1 lần. Thông thường hình thức này sẽ được áp dụng trong các trường hợp giải ngân với mục đích mua hàng hóa, sản phẩm, mua bất động sản hay xe cộ…
Khoản tiền này sau khi giải ngân sẽ bị khóa tạm thời cho tới khi khách hàng đã hoàn thành xong các thủ tục mua bán tài sản, hàng hóa hoặc hoàn tất đăng ký sang tên tài sản cho cơ quan có thẩm quyền như mục đích sử dụng được ký kết trong hồ sơ vay vốn.
Giải ngân không phong tỏa
Đây là hình thức giải ngân được thực hiện khá nhiều hiện nay, hình thức này ngược lại hoàn toàn với giải ngân phong tỏa. Nghĩa là khi khách hàng nhận được khoản vay trong tài khoản tín dụng thì có thể rút ra và sử dụng ngay hoặc khoản vay có thể chuyển trực tiếp ngay được cho bên thứ 3.
Tuy nhiên hình thức giải ngân này thường tiềm ẩn rủi ro khá cao nên phía ngân hàng thường áp dụng cho các khoản vay nhỏ và chỉ áp dụng với một số chi nhánh, ngân hàng nhất định. Lợi ích của hình thức này là vô cùng nhanh chóng và tiện lợi, khách hàng có thể nhận được khoản vay và sử dụng nó ngay mà không cần phải chờ đợi bất kỳ thủ tục gì sau khi giải ngân.
Quy trình giải ngân diễn ra như thế nào?
Quy trình giải ngân khi vay vốn thực chất khá phức tạp và cần trải qua nhiều bước. Mỗi hình thức giải ngân sẽ có một quy trình cụ thể, tuy nhiên trong đó các bước giải ngân cơ bản sẽ như sau:
Bước 1: Tiến hành đăng ký, kê khai và xác nhận thông tin
Đây là bước đầu tiên trong quy trình giải ngân mà bất kỳ hình thức nào cũng phải trải qua. Khách hàng sẽ tiến hành đăng ký và kê khai các thông tin vay vốn tại ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. Các thông tin cụ thể sẽ do ngân hàng yêu cầu kê khai cụ thể như thông tin cá nhân, mục đích vay vốn, khả năng hoàn trả… Khi kê khai xong chuyên viên tài chính sẽ trực tiếp tiếp nhận thông tin và tiến hành xác thực xem thông tin khách hàng cung cấp có đúng hay không.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành thủ tục
Khi kê khai xong thông tin thì khách hàng phải cung cấp hồ sơ và hồ sơ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có được chấp thuận cho vay vốn và giải ngân sau này hay không cũng như hạn mức bạn có thể vay. Vì vậy bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ nhất hồ sơ cần thiết theo yêu cầu trong đó sẽ bao gồm như:
- Chứng minh nhân dân.
- Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
- Hồ sơ vay vốn.
- Hồ sơ liên quan đến tài sản đảm bảo hiện có.
- Hồ sơ chứng minh năng lực tài sản liên quan…
Tất cả các hồ sơ này bạn cần chuẩn bị cẩn thận đầy đủ và trung thực nhất để cung cấp cho phía ngân hàng.
Bước 3: Tiến hành thẩm định
Đây là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quy trình vay vốn cũng như giải ngân. Tại bước này chuyên viên sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra độ chính xác, trung thực và tính phù hợp của bộ hồ sơ bạn cung cấp. Nếu hồ sơ thiếu sẽ được yêu cầu bổ sung. Ngoài ra tại bước này bạn cũng có thể cần phải trả lời một số câu hỏi cụ thể bên cho vay vốn đưa ra để đảm bảo độ chính xác, xác định được khách hàng có thật sự phù hợp với điều kiện vay của bên ngân hàng hay công ty tài chính không.
Bước 4: Phê duyệt khoản vay
Sau quá trình thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ của bạn được xét duyệt và qua vòng thẩm định thì hồ sơ sẽ được chuyển giao và đề xuất để cấp trên xem xét cũng như quyết định phê duyệt cuối cùng.
Trong một số trường hợp nếu số tiền và khách hàng cần vay quá lớn thì ngân hàng bắt buộc phải thành lập ra một tổ thẩm định độc lập để tiến hành thẩm định lại toàn bộ hồ sơ. Vì điều này vô cùng cần thiết, nó sẽ đảm bảo 100% tính minh bạch, công bằng và khách quan nhất.
Đây cũng là bước quyết định quan trọng cuối cùng đối với một hồ sơ vay vốn. Sau khi xem xong hồ sơ thẩm định của chuyên viên hay quyết định cuối cùng của tổ thẩm định thì người quản lý của ngân hàng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là có phê duyệt cho vay đối với hồ sơ đó hay không. Nếu có thì hồ sơ của bạn đã gần như đến bước cuối cùng rồi đấy, chỉ chờ giải ngân thôi.
Bước 5: Giải ngân
Giải ngân là bước cuối cùng trong quy trình vay vốn mà ai cũng mong chờ sau ngày dài hoàn thành hồ sơ. Lúc này khi toàn bộ 4 bước trên đã được thông qua hết thì ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân cho bạn khoản vay mà mình yêu cầu và ký kết trong hồ sơ.
Trên đây là tất cả những gì liên quan đến giải ngân mà các khách hàng của chúng tôi thường đưa ra câu hỏi cũng như quan tâm. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm cho mình nhiều thông tin hữu ích nhất. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn bạn nhé. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi.