Chú trọng trải nghiệm để phục hồi bất động sản du lịch sau dịch

Nơi nghỉ dưỡng không còn là một chỗ nghỉ qua đêm được đánh giá bằng sao mà cần chú trọng trải nghiệm của du khách, theo đại diện Savills Hotels. Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch toàn cầu khi hầu hết các quốc gia tiến hành đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Ngành du lịch Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, mặc dù lượng khách quốc tế chỉ chiếm hơn 17% tổng lượt khách du lịch của cả nước nhưng nguồn thu từ khách quốc tế chiếm gần 56% tổng doanh thu từ khách du lịch vào 2019.

Với việc mất đi nguồn khách quốc tế, hoạt động của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng phân khúc 4 và 5 sao đã chịu những tác động nặng nề khi mức công suất phòng trung bình giảm từ mức 62% trong năm 2019 xuống còn 24% vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ những điều kiện để phục hồi thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong nước cũng như những xu hướng trong thời gian tới.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương.

– Với tình hình hiện tại, đâu là những điểm sáng trong bức tranh nhiều thách thức của thị trường?

– Chúng tôi cho rằng nhu cầu du lịch vẫn sẽ ở mức thấp cho đến cuối năm khi phần lớn du khách e ngại di chuyển bằng đường hàng không, sử dụng phương tiện công cộng hay đến các địa điểm tập trung đông người.

Nguồn khách nội địa vẫn được kỳ vọng là điểm sáng và là động lực chính hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, chúng ta cũng đã từng thấy những tín hiệu tích cực về du lịch vào tháng 4 khi các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ghi nhận nguồn cầu gia tăng, công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 31%, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch ở Việt Nam. Đặc biệt nhu cầu phòng khách sạn, cơ sở lưu trú tăng mạnh vào trước dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua khi một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch quen thuộc gần như không còn phòng trống cho giai đoạn cao điểm lễ. Những con số này ghi nhận đóng góp quan trọng từ nguồn khách nội địa.

– Cần có những điều kiện gì để khơi mào và thúc đẩy đà hồi phục của thị trường trong thời gian tới?

– Nhu cầu du lịch nội địa chỉ có thể quay lại khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi người cảm thấy an tâm khi di chuyển và các quy định về mặt cách ly được dỡ bỏ.

Theo đó, nhóm khách công vụ và du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ sớm khôi phục trước tiên, trong khi hoạt động MICE và nhu cầu tổ chức hội nghị lớn sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn.

Đối với phân khúc khách quốc tế, nguồn cầu chỉ có thể phục hồi khi các chuyến bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch toàn cầu cần từ 2,5-4 năm để có thể khôi phục lượng khách quốc tế như của năm 2019.

Yếu tố then chốt vẫn là việc triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng và hiệu quả. Với những nỗ lực từ Chính phủ trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cũng như việc nghiên cứu thí điểm các kế hoạch và chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch, chúng ta có quyền kỳ vọng rằng những nền tảng quan trọng và tích cực này sẽ tạo đà hồi phục cho thị trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới.

– Việc triển khai hộ chiếu vaccine có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch và kinh doanh khách sạn?

– Hiện nay một số quốc gia áp dụng và triển khai chính sách hộ chiếu vaccine để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch, cho phép giảm bớt các rào cản du lịch như giảm số ngày hoặc dỡ bỏ các quy định về mặt cách ly.

Không những vậy, một số quốc gia châu Âu cũng yêu cầu chứng nhận tiêm chủng khi sử dụng các dịch vụ vận chuyển công cộng hoặc sử dụng các dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, quán cà phê, mua sắm tại các trung tâm thương mại nhằm bảo đảm tính an toàn, giảm rủi ro lây bệnh ở những nơi tập trung đông người.

Đối với Việt Nam, sau khi kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, có thể cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp hạn chế như rút ngắn thời gian cách ly với du khách đã được tiêm chủng đồng thời cẩn trọng quan sát các quốc gia đi trước trong việc triển khai các chương trình hộ chiếu vaccine. Việc này sẽ giúp thu hút nhóm khách công vụ từ các quốc gia lân cận như Singapore cũng như hỗ trợ nhóm khách Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tái nhập cảnh trở lại thuận tiện hơn. Vì trên thực tế, những nhóm khách này có nhu cầu đi nước ngoài nhưng lại e ngại yêu cầu về mặt cách ly khi quay trở lại Việt Nam.

– Đã có những xu hướng, những mô hình mới xuất hiện như staycation và đồng thời những mô hình hiện hữu như boutique hotel, khách sạn có thương hiệu, second home… phát triển mạnh mẽ. Theo ông, vì sao những mô hình này phát triển mạnh trong thời gian qua?

– Du lịch là một ngành không ngừng thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới. Với những thay đổi về yếu tố nhân khẩu học, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, thành phần dân số già… đã và đang góp phần định hình và tạo nên nhiều nhóm khách du lịch mới với các đặc tính riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi ngày càng nhận thấy rõ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch, từ việc chi tiêu cho mục đích sở hữu vật chất, hàng hóa sang chi tiêu cho trải nghiệm.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, du khách dân chuyển dịch sang các loại hình mang nhiều tính trải nghiệm như như wellness resort (nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe), boutique hotel, poshtel, select-service (giới hạn dịch vụ), senior living (khu lưu trú dành cho người cao tuổi), second home – ngôi nhà thứ hai…

Đối với những đơn vị không có kinh nghiệm tự khai thác hoạt động vận hành, chúng tôi cũng đã và đang hỗ trợ nhiều trong việc lựa chọn và đàm phán với các nhà điều hành quốc tế và khu vực để đảm bảo hoạt động vận hành của dự án trong dài hạn. Theo số liệu của Savills Hotels, nếu như cả nước chỉ có 21 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế vào năm 2010, thì hiện nay con số này đã tăng lên đến 55 thương hiệu và chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thương hiệu mới được ra mắt thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam trong thời gian tới.

– Các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là đối với dòng sản phẩm second home – ngôi nhà thứ hai đang nhận được nhiều sự quan tâm cần lưu ý những điều gì khi tham gia thị trường này?

– Thị trường ngôi nhà thứ hai tại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nhìn chung đây vẫn là một sản phẩm tốt nếu được hoạch định cẩn trọng. Chúng tôi nhận thấy người mua hiện nay không chỉ xem các sản phẩm ngôi nhà thứ hai đơn thuần là sản phẩm đầu tư mà còn chú trọng về mục đích sử dụng như một sản phẩm nghỉ dưỡng, một nơi lưu trú mang lại nhiều lợi ích.

Chính vì vậy, các sản phẩm có tính riêng tư cao, không gian rộng rãi, phù hợp với đối tượng khách gia đình và tọa lạc tại những thị trường có thể tiếp cận thuận tiện bằng đường bộ, đường hàng không từ TP HCM và Hà Nội vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh như hiện nay, các địa điểm du lịch như Phan Thiết, Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hạ Long càng chứng tỏ được sức hút vì vốn dĩ các thị trường này ít lệ thuộc vào nguồn khách quốc tế và có khả năng khôi phục hoạt động kinh doanh sớm hơn nhờ vào khách du lịch nội địa.

Phan Thiết là nơi có nhiều tiềm năng để khai thác khách du lịch nội địa

Phan Thiết là nơi có nhiều tiềm năng để khai thác khách du lịch nội địa

Để có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp, người mua cần nghiên cứu kỹ các thông tin dự án như vị trí, định vị, loại hình sản phẩm, cơ cấu quản lý, năng lực của doanh nghiệp cũng như các đơn vị tư vấn liên quan đến dự án… Những dự án được phát triển bởi các tập đoàn có uy tín và đặc biệt cẩn trọng trong quá trình hoạch định, tính toán kỹ lưỡng về cơ cấu quản lý, đặc tính sản phẩm sẽ mang lại những giá trị tốt cho người mua.