Skyline Real | Theo Bộ KH&ĐT, căn cứ Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phê duyệt đầu tư cầu nối với Đồng Nai
Ban quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải vừa báo cáo với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tiến độ dự án xây dựng cầu Phước An nối địa phương này với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Với tổng mức đầu tư là 4.879 tỉ đồng, Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài là 3,7km trong đó cầu dài 3,4km . Khi dự án thi công xong sẽ nối xã Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. ầu có thể cho phép tàu 3.000 tấn lưu thông qua phía dưới.
Về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, theo Ban QLDA, dự án được HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Nghị quyết số 11 ngày 26-3-2019. Ngày 8-11-2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký văn bản chấp thuận vị trí xây dựng cầu Phước An.
Ngày 6-1-2020, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, sau đó Thủ tướng có phiếu chuyển chuyển sang Bộ KH&ĐT về dự án này. Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời lại rằng căn cứ Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư là của HĐND cấp tỉnh.
Về vị trí xây dựng cầu, năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận chủ trương làm đường liên cảng, trong đó có cầu Phước An. Khi đó Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận phương án tuyến. Dự án sau đó được Bộ GTVT thẩm định, trong đó có thỏa thuận tuyến xây dựng.
Năm 2016 khi dự án được giao về cho Ban QLDA đường liên cảng làm chủ đầu tư, ban đã tham mưu cho tỉnh rà soát lại vị trí tuyến một lần nữa. Năm 2019, phương án tuyến cầu Phước An một lần nữa được các sở, ngành, thị xã Phú Mỹ phê duyệt.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với Đồng Nai đều đã thống nhất dịch 40 m so với vị trí cảng Phước An hiện tại về phía thượng lưu sông Thị Vải để hạn chế việc chồng lấn giữa hành lang an toàn giữa cầu Phước An và cảng Phước An (phía tỉnh Đồng Nai).
Tuy nhiên, tháng 9-2019, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có văn bản xin xem xét lại phương án tuyến và dịch so với phương án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị khoảng 100 m lên phía thượng nguồn. Theo đơn vị tư vấn thiết kế, nếu điều chỉnh theo phương án dịch chuyển 100 m thì vốn xây dựng cầu sẽ đội lên khoảng 1.000 tỉ đồng, do khoảng không vượt lên thành cầu dây văng.
Nhưng ngày 13-2 mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đồng ý với phương án tuyến cũ được hai tỉnh ký kết. Đồng Nai đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản gửi Bộ GTVT thẩm định lại vị trí. Trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT, tỉnh Đồng Nai sẽ có ý kiến thỏa thuận vị trí xây dựng cầu Phước An.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban QLDA nhanh chóng tiến hành các thủ tục tiếp theo, phối hợp chặt với tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án, có tờ trình trình HĐND tỉnh thông qua, xây dựng cầu Phước An.
Hiện nay tuyến đường liên cảng phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thi công, thảm nhựa xong tới gần vị trí xây dựng cầu Phước An.
Cầu Phước An có tầm quan trọng trong việc kết nối từ đường liên cảng qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để vào cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tuyến này đưa vào hoạt động, cùng với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang triển khai đầu tư sẽ giúp cho giao thông kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ qua TP.HCM, Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu được nhanh chóng, thuận tiện, phá thế “độc tuyến” cho quốc lộ 51 hiện đang ngày càng quá tải.